Dự kiến ngày 17.12 bắt đầu thử nghiệm Vắcxin Covid-19 “made in VietNam”: Không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất cứ điều gì khác

VHO- Trung tướng,GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y đã khẳng định như vậy tại lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm vắcxin phòng, chống dịch Covid-19.

Dự kiến ngày 17.12 bắt đầu thử nghiệm Vắcxin Covid-19 “made in VietNam”: Không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất cứ điều gì khác - Anh 1

 Những tình nguyện viên đầu tiên đăng ký thử nghiệm vắcxin Covid-19 Ảnh: THÁI AN

Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen đã khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắcxin Covid-19. Ngay trong buổi sáng khởi động đầu tiên đã có khoảng 500 người tình nguyện trong độ tuổi từ 18 - 20 tuổi đến đăng ký tình nguyện tham gia thử nghiệm. Nguyễn Phú Q, sinh viên Học viện Quân y (21 tuổi ở Quảng Ngãi) là một trong số những người đầu tiên đăng ký tham gia thử nghiệm vắcxin Covid-19 ở Việt Nam. Q chia sẻ: “Tôi muốn tiêm thử vắcxin để nhanh đẩy lùi đại dịch. Khi biết tin này, cha mẹ không phản đối mà để tôi tự quyết định”. Còn bạn V, 20 tuổi, sinh viên Học viện Quân y cho biết: “Trước khi quyết định đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm vắcxin Covid-19, tôi đã tham khảo các tài liệu về loại vắcxin này nên tôi không cảm thấy lo lắng quá. Vì là sinh viên trong ngành y, tôi cũng có những thông tin tích cực về vắcxin và có đủ điều kiện tham gia thử nghiệm”.
Theo Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, để chuẩn bị cho thử nghiệm tiêm vắcxin Covid-19 giai đoạn 1, Học viện đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, con người, quy trình chuẩn được các cơ quan chức năng thông qua. “Hiện, chúng tôi có Trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự, đủ phương tiện máy móc, trang thiết bị về tiêm, theo dõi, cấp cứu… cho những tình nguyện viên sau tiêm. Học viện Quân y đã thành lập 10 tổ chuyên môn nghiệp vụ để sẵn sàng cho việc nghiên cứu thử nghiệm. Bộ Y tế, Học viện Quân y sẽ dành những điều tốt nhất để thăm khám, quản lý sức khỏe 24/24h cho người tình nguyện”, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết nói.
Giám đốc Học viện Quân y cũng khẳng định, đặt tính an toàn của người những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắcxin Covid-19 lên cao nhất và là yếu tố hàng đầu. “Chúng tôi cam kết nếu không an toàn, Học viện Quân y sẵn sàng dừng thử nghiệm. Chúng tôi không đánh đổi sự an toàn của người dân Việt Nam với bất cứ điều gì khác. Chúng ta quyết không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm”, GS Quyết nhấn mạnh.
Giám đốc Học viện Quân y hy vọng với trách nhiệm của cá nhân, quyền lợi của cá nhân, hy vọng mọi người đồng lòng, sẵn sàng tham gia vào thử nghiệm để sớm có vắcxin Covid-19 do Việt Nam sản xuất đưa vào sử dụng an toàn và hiệu quả trong cộng đồng.
Để tiến hành thử nghiệm, những tình nguyện viên được khám sức khỏe, kiểm tra các chỉ số trước, đồng thời nghe giải thích về những điều cần làm nếu chính thức tiêm thử nghiệm vắcxin. Những người đăng ký đầu tiên tỏ ra không lo lắng về những tác dụng phụ có thể xảy ra với mình và mong được đóng góp sức mình để đẩy nhanh tiến độ cho ra đời vắcxin chống Covid-19 của Việt Nam.
Theo Trung tướng Đỗ Quyết, trong giai đoạn 1 sẽ thử nghiệm trên 60 người, độ tuổi từ 18 - 50 và được chia thành 3 nhóm, với liều tiêm khác nhau. Dự kiến mũi một sẽ được tiêm vào ngày 17.12 và sau 28 ngày sẽ tiêm tiếp mũi thứ hai với 600 người độ tuổi từ 12 - 75. “Học viện Quân y đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc thử nghiệm. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, đúng như dự kiến, thì đến tháng 2.2021 sẽ kết thúc giai đoạn 1, 2 thử nghiệm lâm sàng. Sau đó sẽ triển khai giai đoạn 3 vào tháng 8.2021. Nếu giai đoạn 3 tiếp tục thành công, thử nghiệm từ 1.500-3.000 người độ tuổi 12-75 thì dự kiến vắcxin này sẽ được sử dụng vào cuối năm 2021. Ngoài Học viện Quân y, 2 cơ sở khác là Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ cùng tham gia thử thuốc”, Trung tướng Đỗ Quyết nói.
Loại vắcxin sắp thử nghiệm phòng bệnh Covid-19 của Nanogen có tên gọi Nanocovax, được Công ty CP Công nghệ Sinh học Dược Nanogen nghiên cứu phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein. Trước khi xin phép thử nghiệm lâm sàng, vắcxin này đã được thử nghiệm trên nhiều loại động vật như chuột nhắt, chuột hamster và khỉ đều đã cho kết quả đáp ứng miễn dịch tốt. Theo đánh giá của các chuyên gia, ưu đểm của vắcxin này là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vắcxin khác. Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn đầu tiên rất nhạy cảm. Do đó, các đơn vị đã tạo điều kiện tốt nhất về vật chất cũng như con người cho đợt thử nghiệm này. Với tình nguyện viên, ông Quang cho rằng quyền lợi lớn nhất của họ là được đóng góp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật nói chung, vắcxin của ngành Y tế nói riêng. Sau khi tiêm, tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe trong 72 giờ thay vì tối đa 24 tiếng như các loại trước đây.
Ngoài ra, lãnh đạo Công ty Nanogen cũng cho biết, đơn vị này đã mua gói bảo hiểm 20 tỉ đồng cho tình nguyện viên thử nghiệm vắcxin. Hiện Nanogen có thể sản xuất 2.000.000 liều/năm. “Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, đơn vị này vừa sản xuất, vừa nâng cấp nhà máy để nâng công suất lên 20-30 triệu liều/năm, công suất lý tưởng là 50 triệu liều/năm. Đây là vắcxin đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm tiền lâm sàng, hứa hẹn sẽ là vắcxin Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên đưa ra thị trường”, đại diện nhóm nghiên cứu thông tin. 

 Chúng tôi cam kết nếu không an toàn, Học viện Quân y sẵn sàng dừng thử nghiệm. Chúng tôi không đánh đổi sự an toàn của người dân Việt Nam với bất cứ điều gì khác. Chúng ta quyết không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm. 
(Trung tướng, GS.TS ĐỖ QUYẾT, Giám đốc Học viện Quân y)

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc